Chế độ đồn điền Tào_Ngụy

Để giải quyết vấn đề lương thực của quân đội và dân chúng, bộ tướng của Tào Tháo là Cức Đê đề xuất tổ chức đồn điền và được chấp nhận. Tào Tháo cử Mao Giới, Nhậm Tuấn là Điển nông trung lang tướng chủ quản về chấn hưng nông nghiệp. Cức Đê được cử làm Đồn điền Đô úy chủ quản việc xây dựng đồn điền tại khu vực Hứa Xương. Tất cá các địa phương đều phải đặt chức quan chuyên trách về đồn điền. Đồn điền trở thành quốc sách của tập đoàn họ Tào.

Tại các vùng cứ 50 hộ nông dân được hợp thành một đồn do Đồn điền Tư mã quản lý. Cấp trên của Đồn điền Tư mã là các quan chức Điển nông tại các quận, huyện. Mỗi hộ canh tác từ 30 đến 50 mẫu ruộng. Nếu dùng trâu bò của Nhà nước thì sau khi thu hoạch phải nộp 6/10 hoa lợi, nông dân thu về 4/10. Nếu dùng trâu bò riêng thì sau khi thu hoạch phải nộp 5/10 hoa lợi. Đồn điền cung cấp cho quân Tào hàng triệu hộc quân lương, giải quyết được nhu cầu lương thực. Có năm vùng Trung Nguyên gặp thiên tai, Tư Mã Ý đã vận chuyển từ Quan Trung đến 5 triệu hộc lương tiếp tế. Cuối đời Ngụy, đồn điền quân sự và dân sự ở hai vùng bắc và nam sông Hoài có dân số lên đến 30 vạn người. Số quân lương tích trữ được đủ cung cấp cho cuộc chiến của nhà Tây Tấn sau này tiêu diệt Đông Ngô. Chế độ đồn điền đã tạo cơ sở vững chắc cho chính quyền họ Tào đảm bảo lương thực cho chính quyền Ngụy Tấn.

Năm 265, Tư Mã Viêm lên chấp chính đã ra lệnh huỷ bỏ chế độ đồn điền của Tào Ngụy. Chế độ đồn điền chấm dứt.